Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Huyết áp là gì?
Huyết là máu. Áp là áp lực. Huyết áp là áp lực máu lưu thông tác động lên thành mạch.
Huyết áp thể hiện bằng hai chỉ số :
- Huyết áp tối đa còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên. Đây là áp lực được tạo ra khi tim bóp. Nó phản ánh áp lực của dòng máu kháng lại sức cản của thành động mạch. Huyết áp tối đa bình thường từ 90 đến 140 mmHg (đọc là milimét thuỷ ngân).
- Huyết áp tối thiểu còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới. Nó phản ánh áp lực bên trong các động mạch khi tim đang đầy và nghỉ ngơi giữa 2 lần đập. Huyết áp tối thiểu bình thường từ 60 đến 90 mmHg.
Do đó, mỗi người phải luôn biết và nhớ hai chỉ số huyết áp của mình mỗi lần đo huyết áp.
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Vậy, huyết áp là thứ phải tồn tại đương nhiên trong cơ thể con người giống như áp lực nước trong lòng mương, ống nước…
Cao huyết áp là gì?
Một người được xem là cao huyết áp khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg
Khi bác sĩ ghi huyết áp của bạn : 180/95mmHg tức là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) của bạn là 180mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) là 95mmHg.
Huyết áp thay đổi trong ngày, theo tuổi và hoạt động của cơ thể. Huyết áp xuống thấp hơn vào ban đêm, lúc ta ngủ, nghỉ và lên cao hơn khi ta vận động, hay tinh thần bị kích động. Người cao tuổi thường có huyết áp cao hơn người trẻ.
Dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp
- Đau đầu
- Hoa mắt
- Chóng mặt
- Ù tai
- Mỏi gáy
- Choáng váng
- Buồn nôn
- Ngực bức rức
- Tim đập nhanh
- Cảm giác nóng bừng ở mặt,…
là các biểu hiện thường gặp nhưng không phải đặc trưng riêng của bệnh cao huyết áp. Do đó, muốn phát hiện bệnh cao huyết áp chỉ bằng cách đi khám và đo huyết áp tại các cơ sở y tế.
Nếu bạn được chẩn đoán bị huyết áp cao, bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm một số xét nghiệm khác, chẳng hạn như :
Điện tâm đồ
Một xét nghiệm để đo hoạt động điện, tốc độ và nhịp tim của bạn thông qua các điện cực gắn liền với cánh tay, chân và ngực. Các kết quả được ghi lại trên biểu đồ.
Siêu âm tim
Đây là một xét nghiệm sử dụng sóng siêu âm để cung cấp hình ảnh của các van tim và buồng tim để có thể theo dõi hoạt động bơm máu của tim và đo lường được độ dày của các buồng tim và thành tim.
Nguyên nhân tăng huyết áp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp :
Di truyền
Yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng khi phát sinh bệnh, đặc biệt là di truyền từ những người ruột thịt (cha, mẹ, ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột). Nguy cơ phát bệnh tăng hơn nếu bệnh sử có ở hai người thân trở lên.
Phòng ngừa : Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ này thì hãy thường xuyên đo huyết áp, trường hợp huyết áp cao có tính hệ thống thì nên đi khám.
Giới tính
Phần lớn các bệnh nhân cao huyết áp là nam giới : Hormone giới tính nam kích thích sự gia tăng huyết áp. Khác với phụ nữ, nam giới có khối lượng cơ thể (kể cả cơ bắp) lớn, có nghĩa là lượng mạch máu lưu thông lớn cũng là điều kiện để mức huyết áp tăng. Gần đây thì tỷ lệ bệnh huyết áp cao giữa nam và nữ đã cân bằng. Sau khi mãn kinh thì việc bảo vệ tự nhiên về hormone của hệ thống tim-mạch ở phụ nữ đã bị giảm.
Phòng ngừa : Khi gần 40 tuổi, kể cả nam và nữ nên chú ý hơn đến tình trạng sức khỏe. Khi cần nên đến kiểm tra tại chuyên khoa nội tiết và dùng liệu pháp hormone.
Stress
Khi bị stress khiến tim đập nhiều hơn, bơm lượng máu nhiều hơn. Nếu stress tiếp diễn trong thời gian dài thì sự căng thẳng kinh niên này làm cho các mạch máu bị hỏng và chứng cao huyết áp trở thành mãn tính (kéo dài).
Phòng ngừa : Học cách kiểm soát cảm xúc của mình, thay đổi thái độ đối với mọi vấn đề. Đối với bất cứ sự kiện nào cho dù thoạt nhìn là nghiêm trọng nhất vẫn có thể xét đoán cả mặt tiêu cực cũng như tích cực. Không làm việc quá sức. Qua nghiên cứu cho thấy, những ai làm việc quá 41 giờ/tuần sẽ tăng thêm 15% nguy cơ bị cao huyết áp.
Lạm dụng rượu và thuốc lá
Uống rượu mạnh hàng ngày sẽ làm huyết áp tăng thêm 5-6mmHg/năm. Các thành phần của khói thuốc lá khi vào máu sẽ gây co thắt mạch máu. Ngoài ra, hút thuốc lá sẽ làm tăng tình trạng thiếu oxy của mô não và đại não.
Phòng ngừa : Nên bỏ dần thói nghiện rượu và thuốc lá. Với người bị huyết áp cao chỉ được phép uống tối đa 60ml rượu mạnh/tuần và 200g rượu vang. Đối với cà phê và trà đặc cũng nên hạn chế dùng 1 tách/ngày. Với phổi thì ngay cả một lượng nhỏ nicotin và cũng gây hại.
Ít vận động
Các chuyên gia cho rằng, những người ít vận động sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp nhiều hơn 20-50% so với những người chăm tập luyện và lao động thể chất. Khi quả tim không được rèn luyện sẽ khó chịu được sự gắng sức. Những bài tập luyện thể thao sẽ giúp cải thiện độ đàn hồi của mạch máu, giúp giảm trọng lượng thừa, giảm lượng đường trong máu và giảm mức cholesteron xấu mật độ thấp. Các bài tập luyện thể chất thường xuyên làm giảm huyết áp xuống 5-10 mmHg.
Phòng ngừa : Tăng dần cường độ tập luyện thể chất hàng ngày. Năng đi dạo bộ. Luyện các bài tập nhỏ làm cho thành mạch được linh hoạt và dẻo dai. Nếu bạn quyết định tập thể thao, thích các bài tập nhằm tạo độ bền (tập thở, bơi lội…) cũng không nên tập quá sức sẽ làm tăng áp lực lên tâm thu (Huyết áp tối đa). Vì vậy, tốt nhất nên tập vừa phải (30 phút) mỗi ngày, tăng dần cường độ tập từ ít đến vừa phải và điều độ.
Thừa cân
Đây cũng là một yếu tố khá quan trọng. Những người có trọng lượng cơ thể lớn sẽ bị rối loạn chuyển hóa chất béo, mạch máu mất tính đàn hồi, làm cho chúng bị mòn và bị ảnh hưởng bởi chứng xơ vữa động mạch. Nên biết là khi bị thừa cân thì nguy cơ phát sinh cao huyết áp tăng lên 6 lần và cứ mỗi 500g cân thừa làm huyết áp tăng lên 1 đơn vị.
Phòng ngừa : Theo dõi cân nặng, năng vận động thể chất và có chế độ dinh dưỡng ít calo là cách tối ưu.
Ăn mặn
Tình trạng thừa muối gây giữ nước trong cơ thể, dẫn đến chứng phù nề các cơ quan và các mô dẫn đến bệnh tim mạch.
Phòng ngừa : Giảm lượng muối trong thức ăn, hạn chế 5g (bằng 1 thìa cà phê) muối/ngày. Lưu ý rằng trong nhiều thực phẩm (pho mát, thịt nướng, giò chả, đồ hộp, mionez) đã chứa nhiều muối.
Thuốc
Một số thuốc chứa thành phần có thể làm tăng huyết áp như steroid, thuốc giảm cân, thuốc giảm đau NSAID, thuốc ngừa thai, một số thuốc chống trầm cảm,…
Tăng huyết áp do những nguyên nhân kể trên gọi là tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát, tăng huyết áp mắc phải). Loại này chiếm 5%-10%
Tuy nhiên, có đến 90%-95% bệnh nhân tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (còn gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc tiên phát, nguyên phát).
Điểm khác biệt là tăng huyết áp có nguyên nhân thì chữa triệt để được, ví dụ tăng huyết áp do hẹp động mạch thận thì sau khi nong động mạch hẹp, huyết áp bình thường trở lại, không phải uống thuốc lâu dài.
Điều trị cao huyết áp như thế nào?
Về sinh hoạt
Buổi sáng, khi tỉnh dậy không nên vội rời khỏi giường, hãy nằm trên giường cử động chân tay, đầu, cổ cho cơ bắp, mạch máu toàn thân hoạt động bình thường, thư giãn, nhằm thích ứng với sự thay đổi của tư thế cơ thể khi rời khỏi giường, tránh được tình trạng váng đầu chóng mặt do mất thăng bằng đột ngột sau những giờ nằm tĩnh trên giường. Sau đó từ từ ngồi dậy, rồi mới ra khỏi giường vận động. Làm như vậy tránh huyết áp bị dao động.
Nên rửa mặt và súc miệng bằng nước ấm (30 - 35oC). Nếu nước nóng quá hay quá lạnh đều gây kích thích phần cảm thụ của da, làm co giãn mạch máu xung quanh, dẫn tới ảnh hưởng huyết áp.
Khi súc miệng xong nên uống một cốc nước ấm, sẽ có tác dụng “rửa” dạ dày, ruột, vừa làm loãng máu, giảm độ đậm đặc của huyết dịch, tuần hoàn máu được thông suốt hơn. Việc tập thể dục buổi sáng ở người cao huyết áp không nên vận động mạnh, chỉ nên đi bộ, thể dục mềm dẻo, hoặc tập thái cực quyền… để giúp tăng cường được khả năng co giãn của mạch máu, có lợi cho việc điều hòa huyết áp.
Việc quan hệ tình dục vợ chồng ở người huyết áp cao cần hài hòa, nhẹ nhàng, tránh gấp gáp, quá độ sẽ làm ảnh hưởng đến huyết áp, dễ dẫn tới tai biến mạch máu não. Mỗi tuần chỉ nên quan hệ 1 lần. Nên tạo cho mình giấc ngủ ngon. Hạn chế thức quá khuya; trước khi đi ngủ nên ngâm chân vào nước ấm, rồi xoa bóp hai chân để thúc đẩy tuần hoàn máu.
Ngoài ra, cần hạn chế những nơi đông người; giữ cho tinh thần thư thái, tình cảm ít xúc động. Người xưa đã nói: “Đại nộ thương can” - tức giận quá dễ hại gan, gan bốc hỏa, choáng đầu hoa mắt, gây cao huyết áp, thậm chí đột quỵ rất nguy hiểm. Vì vậy cần biết kiềm chế, tránh những cơn giận dữ nóng nảy không cần thiết.
Về ăn uống
- Bữa sáng : cần ăn uống nhẹ, thanh đạm, không ăn quá no và cũng không nên nhịn.
- Bữa trưa : cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhưng cũng đừng ăn no quá. Ăn xong, hoạt động nhẹ, rồi tranh thủ ngủ trưa ngắn (có thể từ 30 phút đến 1 giờ), nếu không có điều kiện thì ngồi nghỉ sẽ có lợi cho hạ huyết áp. Không nên làm việc gì nặng sau bữa ăn trưa.
- Bữa tối : nên ăn nhẹ, dùng các món ăn dễ tiêu hóa và thức ăn loãng vì nếu cung cấp nước không đủ, sẽ làm cho huyết dịch cơ thể ban đêm trở nên đậm đặc, dẫn đến tắc động mạch gây tăng huyết áp.
Về thực phẩm
Cần tây : Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp.
Cải cúc : Là loại rau thông dụng, chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và giáng áp.
Rau muống : chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường, là thứ rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.
Măng lau : Có công dụng hoạt huyết, thông tràng vị, khai hung cách (làm thoải mái lồng ngực) và chống phiền khát. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng lau có khả năng tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim, lợi niệu, giáng áp và phòng chống ung thư, là thức ăn rất thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
Cà chua : Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Cà : Đặc biệt cà tím là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
Cà rốt : Có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Ngoài ra một số thức ăn tốt cho người cao huyết áp như: Hành tây, Nấm hương, Nấm rơm, Mộc nhĩ, Tỏi, Lạc, Hải tảo, Đậu hà lan, Đậu xanh, Táo, Chuối tiêu, Dưa hấu, Dưa chuột.......
Các biến chứng thường gặp của cao huyết áp
1. Các biến chứng tim mạch do cao huyết áp
Bệnh mạch vành
Cao huyết áp lâu ngày làm hư lớp nội mạc (lớp áo trong cùng) của mạch vành, làm các phân tử cholesterol tỉ trọng thấp (LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành.
Khi động mạch vành bị hẹp nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, nghẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ). Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong động mạch vành hình thành huyết khối, làm tắc động mạch vành và làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
Suy tim
Cao huyết áp làm tăng khối lượng công việc cho tim. Theo thời gian, điều này có thể làm cho cơ tim bị dày thêm. Khi tim bơm máu chống lại huyết áp tăng cao trong các mạch máu, thì tâm thất trái nở to và số lượng máu do tim bơm mỗi phút (cardiac output) giảm xuống, một tình trạng được gọi là chứng phì đại tâm thất trái. (left ventricular hypertrophy – LVH). Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim (heart failure).
2. Các biến chứng về não do cao huyết áp
- Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong.
- Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự mạch vành), nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết một vùng não (còn gọi là nhũn não).
- Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến người bệnh thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.
3. Các biến chứng về thận do cao huyết áp
Thận đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho huyết áp được bình thường, và ngược lại, huyết áp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Nguyên nhân là do cao huyết áp làm các mạch máu trong thận bị hư hại, làm hỏng bộ lọc cầu thận, ngăn chặn việc đào thải chất cặn bã và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Các chất lỏng dư thừa trong các mạch máu sau đó có thể làm cao huyết áp nhiều hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu của suy thận. Những người bị suy thận hoặc phải ghép thận hoặc phải lọc máu thận thường xuyên, gọi là “chạy thận nhân tạo”.
Người có bệnh tiểu đường có nguy cơ suy thận rất cao.
4. Biến chứng về mắt do cao huyết áp
Cao huyết áp làm hư mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ đè bẹp tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn làm bệnh nhân hỏng mắt tiến triển theo các giai đoạn.
Cao huyết áp còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
5. Các biến chứng về mạch ngoại vi
Cao huyết áp làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người.
Cao huyết áp làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi).
Cách đo huyết áp
Trước khi đo, người được đo cần được ngồi nghỉ ngơi thoải mái, ít nhất trong 5 phút, không nên có sự gắng sức nào trước đó 30 phút. Đồng thời, không được hút thuốc, không được uống cà phê trước khi đo huyết áp. Nơi đo phải thoáng mát, không quá nóng hoặc không quá lạnh.
Cách đo huyết áp bằng máy đo cơ
Đặt ống nghe vào tai với hai càng ống nghe hướng ra trước. Đặt màng loa ống nghe vào dưới dải băng ngay khuỷu tay rồi khóa van xả hơi ở gần bóng cao su.
Bóp bóng cao su làm phồng dải băng và quan sát đồng hồ. Ngừng bơm thêm khi kim ở số 200 (hay cao hơn 30 – 40 mmHg so với chỉ số huyết áp bình thường của huyết áp tâm thu) rồi từ từ xả hơi qua van đã đóng khi nãy (kim tụt xuống 2 – 3 mmHg mỗi giây).
Từ khi bắt đầu xả hơi qua van, tập trung lắng nghe nhịp đập trong khi mắt quan sát đồng hồ huyết áp. Nhịp đập đầu tiên xuất hiện tương ứng với chỉ số ở kim đồng hồ là huyết áp tâm thu.
Tiếp tục xả và lắng nghe cho đến khi không còn nghe được nhịp đập nào cả. Nhịp cuối cùng tương ứng với chỉ số ở kim đồng hồ là huyết áp tâm trương.
Nếu bạn muốn đo lại, hãy chờ khoảng 2 – 3 phút sau khi xả hết khí trong dải băng quấn.
Thông thường, người ta đo huyết áp ở động mạch cánh tay, có thể đo ở mọi tư thế nằm, ngồi, hoặc đứng. Ở nước ta các thầy thuốc thường đo ở tư thế nằm. Để trần cánh tay được dùng đo huyết áp, chú ý đặt ngang vị trí quả tim, chỗ để cánh tay phải êm, quấn bao huyết áp kế quanh 2/3 dưới của cánh tay, trên nếp khuỷu 2cm, đầu dưới cột thủy ngân cũng phải đặt ngang mức với tim bệnh nhân và huyết áp kế đặt trên mặt phẳng. Sờ động mạch cánh tay ở vị trí chỗ gấp khuỷu tay rồi đặt ống nghe lên trên đường đi của động mạch ngay sát bờ dưới bao huyết áp kế, không ấn quá mạnh. Sau đó, bơm hơi cho túi cao su phồng lên, bơm nhanh tới con số cao hơn dự kiến 30 mmHg trên mức áp lực đủ làm mất mạch quay, tai không nghe thấy tiếng đập thì xả hơi từ từ.
Huyết áp tâm thu (Huyết áp tối đa) là con số trên cột thủy ngân hoặc của vạch kim đồng hồ mà khi nghe thấy tiếng đập động mạch đầu tiên, huyết áp tâm trương là con số hoặc vạch kim khi tiếng đập động mạch đó mất đi. Khi đo xong, xả hết hơi trong băng quấn và lại đo thêm 2 lần nữa để kiểm tra. Nên lấy kết quả của lần đo sau vì trạng thái thần kinh của người được đo huyết áp đã ổn định hơn. Người ta hay nhắc đến hiện tượng “áo choàng trắng” – hiện tượng người bị tăng huyết áp do lo lắng, hồi hộp khi ở trong bệnh viện. Đối với người được đo huyết áp lần đầu nên đo ở cả 2 cánh tay xem có bị chênh lệch không.
Với trẻ em, vì cánh tay nhỏ hơn nhiều, nên dùng loại huyết áp kế với dải băng quấn chế tạo riêng cho các em.
Khi đo huyết áp nên mặc áo cộc tay, hoặc vai rộng để có thể xắn tay áo lên dễ dàng. Nhớ thả lỏng cánh tay và điều hòa hơi thở trước khi quấn băng bơm đo huyết áp quanh cánh tay.
Cách đo huyết áp bằng máy đo tự động
Quấn dải băng quanh bắp tay rồi nhấn nút bật công tắc máy đo (hoặc nhấn nút “start”). Máy tự động bơm khí vào dải băng quấn đến một chỉ số nhất định nào đó rồi tự động xả khí từ từ.
Sau đó, kết quả huyết áp được hiển thị trên màn hình của máy đo. Ta nhấn nút xả khí để máy tự động thoát hết khí ra ngoài và tháo băng quấn ra.
Trong trường hợp muốn đo lại, hãy chờ khoảng 2 – 3 phút sau khí xả hết khí trong dải băng quấn.